Title: | Nhận thức và hành vi sử dụng hệ thống metro: Giải pháp hướng tới giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP.HCM |
Author(s): | Võ Ngọc Tú Trâm |
Advisor(s): | Hà Văn Sơn |
Abstract: | Sự lớn mạnh của xã hội vừa mang lại mặt tích cực vừa mang lại mặt tiêu cực, xã hội phát triển mang lại những thành tựu đáng kể và bước tiến vượt bậc cho đất nước nhưng bên cạnh đó, nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy phía sau, vấn đề nan giải nhất hiện nay là vấn đề ô nhiễm không khí tại TP.HCM đang chịu áp lực lớn từ lượng phương tiện giao thông khổng lồ, với hơn 9,5 triệu phương tiện cá nhân và khoảng 2 triệu phương tiện lưu thông từ các địa phương mỗi ngày. Điều này dẫn đến nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP.HCM đạt ngưỡng báo động, gây ra nhiều tác hại khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc khánh thành tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vào cuối năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải từ phương tiện giao thông cá nhân, chung tay bảo vệ môi trường đô thị bền vững và hiện đại. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tuyến Metro này, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt là việc nâng cao ý thức cộng đồng và thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện giao thông công cộng của người dân, khi mà thói quen phụ thuộc vào phương tiện cá nhân vẫn chiếm ưu thế trong cuộc sống của người dân. Vì thế, nhóm tác giả này tập trung vào đề tài “NHẬN THỨC VÀ HÀNH VI SỬ DỤNG HỆ THỐNG METRO: GIẢI PHÁP HƯỚNG TỚI GIẢM THIỂU Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TẠI TP.HCM”. Phương pháp nghiên cứu được triển khai theo hướng định tính và định lượng, xây dựng bảng khảo sát dựa trên thang đo Likert 5 mức độ. Để tiến hành phân tích thống kê mô tả, nhóm tác giả đã sử dụng phần mềm IBM SPSS Statistics 20.0, nhằm thể hiện các đặc điểm của mẫu nghiên cứu. Độ tin cậy và giá trị của thang đo được đánh giá thông qua phân tích Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, và hệ số tương quan Pearson. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu áp dụng phân tích hồi quy đa biến để kiểm định sự phù hợp của mô hình nghiên cứu và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu đã đề xuất. Kết quả, các yếu tố “Mối quan tâm về môi trường”, “Chi phí”, “Thời gian”, “Sự hấp dẫn của phương tiện cá nhân”, “Nhận thức rủi ro”, “Chuẩn chủ quan”, “Nhận thức kiểm soát hành vi” giữ vai trò thiết yếu tác động đến quyết định sử dụng Metro của người dân. Nghiên cứu cũng làm nổi bật tầm quan trọng của các chiến lược truyền thông và chính sách hỗ trợ nhằm tối ưu hóa vai trò của Metro trong việc hạn chế ô nhiễm không khí, đóng góp vào việc xây dựng TP.HCM xanh và bền vững hơn trong tương lai |
Issue Date: | 2025 |
Publisher: | Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Series/Report no.: | Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ UEH 2025 |
URI: | https://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/75031 |
Appears in Collections: | Nhà nghiên cứu trẻ UEH
|